Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Vì sao quân Mông Cổ tung hoành khắp thế giới nhưng lại thất trận thảm hại ở Nhật Bản?

Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu sáng tỏ những quan niệm sai lệch hiện nay. 
Cuối thế kỷ 13, quân Mông Cổ, dưới sự chỉ huy của Hốt Tất Liệt Đại hãn, hai lần vượt biển đánh Nhật Bản nhưng đều thất bại nặng nề. Gần một nghìn năm qua, đó vẫn là một trong những cuộc chiến đáng nhớ nhất của người Nhật. Vậy điều gì đã giúp Nhật Bản làm nên kỳ tích đó?
Những nguồn sử liệu về cuộc chiến tranh Nguyên Mông – Nhật Bản khá phong phú, từ sách sử của Đông Á tới châu Âu đều có ghi chép. Ba nguồn ghi chép sớm nhất là sử của Nguyên Mông, Triều Tiên và Nhật Bản. Đối chiếu sử liệu trong 3 nguồn này, có thể có được những hình dung cơ bản về cuộc đại chiến này.
Vì sao người Mông Cổ xuất binh chinh phạt Nhật Bản? 
Nguyên nhân khởi nguồn của cuộc chinh phạt được cho là Nhật Bản không chịu thần phục đế quốc Mông Cổ. Giữa các năm 1267 và 1274, Hốt Tất Liệt nhiều lần cử sứ giả tới yêu cầu Thiên hoàng Nhật Bản cống nạp châu báu, người tài và chịu xưng thần với nhà Nguyên. Tuy nhiên các Đại tướng quân Mạc chúa (người nắm quyền thực sự) luôn từ chối một cách miệt thị, coi thường. 
Sự xúc phạm này khiến Hốt Tất Liệt nổi giận, quyết định cử binh trừng phạt “tiểu quốc” ương ngạnh này. Có một điều cần nói rõ, trong lần đầu tấn công Nhật Bản (1274), quân Nguyên chưa chiếm được toàn Trung Nguyên, nhà Nam Tống vẫn còn tồn tại ở phía Nam sông Trường Giang. Hốt Tất Liệt vẫn phải tập trung quân chủ lực cho chiến trường phía Nam. Bởi vậy binh lực cử đi đánh Nhật Bản không nhiều. 
Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến quân Mông Cổ buộc phải vượt biển sang phía Đông là vấn đề tài chính. Giới quý tộc Mông Cổ cực kỳ ưa thích những vật phẩm xa xỉ, lại vụng về trong việc quản lý tài chính, nên quốc khố của nhà Nguyên lúc bấy giờ luôn ở tình trạng giật gấu vá vai. Hai vị đại Khả hãn trước thời Hốt Tất Liệt lại đều phung phí quá mức, đổ tiền mua sắm xa xỉ phẩm (chủ yếu là đồ kim loại quý hiếm), đã tạo ra những khoản nợ khổng lồ, thậm chí phải dùng chiến lợi phẩm để làm vật thế chấp.
Cuộc nội chiến kéo dài 4 năm liên tục giữa Hốt Tất Liệt và em trai là A Lý Bất Ca càng khiến cho tình trạng tài chính của Đế quốc Mông Cổ thêm phần khó khăn. Trong khi đó, suốt hàng trăm năm qua, Nhật Bản luôn là nơi sản xuất và xuất khẩu bạc lớn nhất thế giới, là một quốc đảo giàu có sung túc. Vì thế, với người Mông Cổ mà nói, xuất binh đánh Nhật Bản là chuyện bắt buộc phải làm. 

Cuộc chinh phạt lần thứ nhất (1274)
Năm 1270, sau khi hoàn toàn chinh phục được Triều Tiên, người Mông Cổ đã có bàn đạp quan trọng chuẩn bị cho chiến tranh. Năm 1274, Hốt Tất Liệt sai tướng Hàn Đô đem 25.000 quân cùng rất nhiều chiến thuyền Triều Tiên vượt biển đánh Nhật Bản. Qua hơn 20 ngày chiến sự ác liệt, quân đội Nguyên Mông dễ dàng đánh bại các đội quân đồn trú của Nhật Bản trên các đảo tiền tiêu là Tusima và Iki. 
Những tướng lĩnh người Nhật ở đây đều bị xử tử, còn các hòn đảo đều bị tàn phá. Quân Nguyên Mông tiến vào vịnh Hakozaki, đến vùng Tây Bắc của đảo Kyushu thuộc tỉnh Chikuzen và đổ bộ vào cửa Ymasu. Dưới sự yểm trợ của súng hỏa mai, chiến thuyền quân Nguyên Mông định cập bờ để đổ bộ.
Tuy nhiên, sau đó người Nhật đã dần nắm được chiến thuật của người Mông Cổ, ra sức cố thủ và bắt đầu phản công. Thêm nữa bão lớn nổi lên đã đánh đắm rất nhiều chiến thuyền Mông Cổ. Trong khi đó, với tinh thần võ sĩ đạo, quân đội Nhật Bản đánh tới như thế nước tràn bờ, đẩy lùi quân Mông Cổ. Cuộc chinh phạt Nhật Bản lần thứ nhất của nhà Nguyên thất bại nặng nề. 
Trong lịch sử của Nhật Bản, chiến dịch này được gọi là “Trận hải chiến Bun’ei”. Đây cũng là lần đầu tiên người Mông Cổ phải chiến đấu với một đối thủ được trang bị luyện tập và có dũng khí như thế. 


Lần xuất binh thứ hai (1281)
Sau khi kết thúc cuộc chiến lần thứ nhất, Hốt Tất Liệt cho rằng người Nhật đã lĩnh giáo được sức mạnh và uy lực của người Mông Cổ. Năm 1275, khi Hốt Tất Liệt tiếp tục cử sứ thần sang đòi Nhật Bản phải thần phục, tướng quân Hojo Tokimune lập tức ra lệnh chém 5 sứ thần nhà Nguyên.
Biết rằng không thể tránh khỏi một cuộc đại chiến nữa với người Mông Cổ, Tokimune chỉ huy quân dân Nhật Bản xây dựng các thành lũy dọc bờ biển để phòng thủ. Người Nhật đã xây nên một bức tường thành khổng lồ bằng đá dọc theo bờ biển của vịnh Hakata (ngày nay thuộc thành phố Fukuoka, phía bắc đảo Kyushu).
Sau khi diệt Nam Tống, thống nhất Trung Quốc, Hốt Tất Liệt lập tức bắt tay vào chuẩn bị chinh phạt nước Nhật lần thứ hai. Ông cho tuyển mộ binh sĩ toàn quốc. Ngoài binh sĩ người Trung Quốc, đạo quân lần này cũng huy động thêm binh sĩ người Mông Cổ và lính đánh thuê người Triều Tiên. Họ được triệu tập tới khu vực duyên hải, ngày đêm tập luyện chiến đấu cả thủy lẫn bộ. Lương thực cũng không ngừng được tập kết từ các nơi về. Binh sĩ được lệnh phải chế tạo ra các loại chiến hạm và tàu chiến to nhỏ.
Việc chuẩn bị chinh phạt với quy mô lớn như vậy đương nhiên không thể bảo mật. Người Nhật liên tục cử quân do thám đi thăm dò động tĩnh của quân Nguyên một cách tỉ mỉ để có phương sách ứng phó cho cuộc chiến sắp nổ ra. Lúc này, cục diện chính trị ở Nhật Bản cũng rất ổn định. Sự hùng mạnh của Mạc phủ Kamakura dưới thời trị vì của dòng họ Hojo trong thế kỷ 13 đã cho phép Nhật Bản tỏ thái độ cứng rắn trước các yêu sách của của Mông Nguyên. 
Nhật Bản tiếp tục tăng cường công cuộc phòng ngự của mình. Quân đội được tổ chức và củng cố lại, không chỉ có tầng lớp võ sĩ Gokenin mà cả các võ sĩ Higokenin cũng được động viên chuẩn bị cho cuộc chiến tranh vệ quốc mới. Mặt khác, tuy đế quốc Nguyên Mông lúc này rất hùng mạnh, nhưng không thể dễ dàng huy động được một lực lượng quân sự to lớn cho cuộc viễn chinh trên biển cả. Người Mông Cổ chỉ quen đánh trận trên thảo nguyên. Thủy chiến, với họ mà nói, là một bài toán khó.
Năm 1281, Hốt Tất Liệt sai các tướng A Tháp Hải, Hàn Đô, Hồng Trà Khâu cùng hơn 150.000 quân viễn chinh, vượt biển đánh Nhật Bản. Quân Nguyên chia làm 2 đường tiến đánh, một đường từ bán đảo Triều Tiên và một đường từ miền Nam Trung Quốc tới, dự định hội sư ở bờ biển đảo Kyushu. Nhưng hạm đội từ phía Nam Trung Quốc lại đến chậm, tạo thời cơ cho quân Nhật rảnh tay đánh trả hạm đội từ đường Triều Tiên sang, vốn là hạm đội tương đối yếu. 
Ngày 1/8/1281, bờ biển Thái Bình Dương bỗng nhiên nổi gió bão mãnh liệt, mưa bão kéo dài liên tục trong 4 ngày khiến các hạm đội tàu chiến của quân Nguyên hầu như bị phá hủy hoàn toàn. Các tướng chỉ huy hạm đội tàu chiến, hoặc chạy thoát thân về Triều Tiên, hoặc vứt bỏ lại quân đội, chỉ dùng vài chiếc tàu còn lại tự thoát thân. Sau đó ít lâu, hạm đội chủ lực từ phía Nam Trung Quốc tiến vào vịnh Hakozaki và các đảo Taka Hirato, tỉnh Hizen lại cũng gặp trận bão lớn ngày 16/8/1281 cũng bị đánh đắm phần lớn.
Nhân cơ hội đó, quân Nhật tiếp tục giáng cho đạo tàn binh của quân Nguyên những đòn chí mạng. Hơn 150.000 quân Nguyên xuất chinh mà chỉ còn khoảng trên dưới 30.000 người trở về. Người Nhật lại thêm một lần chiến thắng oanh liệt trong cuộc đại chiến với quân Nguyên Mông. Cả hai lần tấn công sang đất Nhật, chiến thuyền của nhà Nguyên đều bị bão lớn làm cho tổn thất nặng nề. Người Nhật cho rằng thần linh đã hiển linh phù trợ họ và gọi những trận bão tố đó là “Thần Phong” Kamikaze. 

Sức mạnh của quân đội Nhật Bản
Nhiều người cho rằng nếu không có hai trận bão đánh đắm chiến thuyền quân Nguyên thì Nhật Bản sớm đã nằm dưới gót sắt của kẻ xâm lược. Nhưng chúng ta đã quên rằng, xét về mặt quân sự, sức mạnh của người Nhật là hầu như không hề kém cạnh quân Mông Cổ tinh nhuệ.
Trong khoảng 8 năm giữa hai lần quân Mông Cổ tấn công, hầu như người Nhật đã cải tiến hoàn toàn cung tên của họ. Trong lần xâm lược thứ hai, người Mông Cổ phát hiện cung tên của người Nhật có cự li bắn và lực xuyên thấu lớn hơn nhiều so với lần trước, tương đương với lực bắn của loại cung tên mà người Mông Cổ đang sử dụng.
Các bức vẽ còn lưu lại đến ngày nay cho thấy: Bộ cung tên của người Nhật làm ra khi đó gần giống như loại hiện đại nhất của nước Anh thời bấy giờ, dài khoảng 1,5m. Vốn dĩ, người Nhật rất thấp bé, nên trong hình vẽ người ta thấy các chiến binh bắn cung dường như còn thấp hơn cả cây cung. Trên thực tế chiến thuật của người Nhật lúc đó cũng giống như của người Anh, đều là dùng kỵ binh (các võ sĩ Samurai) để đột phá đánh vào chủ lực quân địch, ngoài ra bộ binh và cung thủ phụ trách bảo hộ hai cánh và áp chế quân địch.
Số lượng quân đội Nhật tham gia chiến đấu đến nay vẫn còn là điều khá mơ hồ. Một số quyển dã sử của Trung Quốc cho rằng trong cuộc chiến lần thứ nhất có hơn 100.000 quân Nhật tham chiến, lần thứ hai khoảng hơn 400.000 quân. Nhưng cách nói này hoàn toàn không có căn cứ. Nếu tổng động viên toàn quốc, người Nhật cũng chỉ có nguồn binh lực cùng lắm là vài trăm nghìn người. Nhưng rõ ràng là không thể điều động tất cả binh lực đến tham chiến ở chiến trường với quân Mông Cổ. 
Vào thời kỳ Chiến Quốc hơn 200 năm sau đó, của cải và dân số của Nhật đều đã vượt xa thế kỷ 13. Nhưng trong những trận chiến nổi tiếng nhất, tổng binh lực của tất cả các bên cũng chỉ có khoảng 500.000 người. Quân đội Nhật Bản không nhiều, một phần bởi người Nhật coi trọng tinh binh hơn là số lượng. Theo một số phỏng đoán, trong cuộc chiến lần thứ nhất, quân đội Nhật có khoảng 10.000 – 20.000 người tham chiến, còn lần thứ hai đông hơn, khoảng 50.000 – 60.000 người, tóm lại là không thể vượt quá con số 100.000 người.

Thanh kiếm tầm cỡ thế giới của Nhật Bản
Trong cuộc chiến giữa Nhật Bản và Mông Cổ, không thể không nhắc đến một loại kiếm có tên gọi là Katana. Đó là một loại đao Nhật truyền thống, dài hình hơi cong, một lưỡi, rất bén, luôn được các võ sĩ đeo bên mình, kết hợp với một thanh kiếm ngắn hơn là Wakizashi hoặc cực ngắn gọi là Tanto (đoản đao). Bộ kiếm đôi một lớn, một nhỏ gọi là Daishō là biểu tượng cho tác phong và danh dự của người võ sĩ.
Trong tác chiến, thanh kiếm dài Katana dùng để chém, kiếm ngắn để đâm khi tiếp cận đối phương, hoặc để mổ bụng tự sát (một kỹ thuật tự sát của Samurai, mang tên Seppuku). Người Nhật tìm ra cách đúc kiếm nhiều lớp bằng cách rèn dài và mỏng phôi sắt sau đó cắt đôi, nung lên rồi chập hai nửa lại tiếp tục rèn, tạo được những vân thớ khác lạ. Điều đó khiến những lưỡi kiếm được cấu tạo từ rất nhiều lớp thép, vừa dẻo dai vừa cứng rắn.
Những vân đó có khi giống như mắt gỗ nhưng cũng có khi uốn lượn như làn sóng. Thanh kiếm không chỉ là vũ khí mà còn là một tác phẩm mỹ thuật. Các thợ rèn ở tỉnh Soshu tìm ra được cách pha trộn thép mềm với thép cứng để làm lưỡi kiếm, vẫn sắc bén mà lại ít bị mẻ. Họ cũng tiêu chuẩn hoá chiều dài và cải thiện mũi kiếm để khi kiếm bị gãy vẫn có thể mài và dùng tiếp.

Vì sao quân Nguyên Mông thất bại ở Nhật Bản?
Nhiều người cảm thấy tiếc nuối cho những thất bại của quân Mông Cổ. Người ta cũng tổng kết được nhiều bài học khác nhau, và cho rằng nếu quân Mông Cổ có thể tránh được những sai sót này thì có lẽ lịch sử Châu Á đã phải viết lại.
Thứ nhất, người Mông Cổ không thể mang thêm nhiều kỵ binh và ngựa. Khi tiến đánh Nhật Bản, quân Nguyên chỉ đem một lượng ít ngựa theo. Nguyên nhân là khi vượt biển chiến đấu trên đất liền, lương thực tiêu hao để nuôi dưỡng chiến mã gấp năm, sáu lần so với bộ binh, tạo thành tổn hại rất lớn. Để nuôi 10.000 kỵ binh thì phải tốn lượng lương thực tương đương với nuôi 50.000 bộ binh. Đường biển lại xa cách, vận chuyển lương thảo khi ấy cực kỳ khó khăn. 
Ngoài ra có một nguyên nhân quan trọng khiến Hốt Tất Liệt không thể trang bị nhiều chiến mã hơn cho quân viễn chinh là bởi người Nhật đã nhanh trí cho xây dựng những bức tường đá chiến lược, ngăn cản kỵ binh tấn công. Dẫu có trong tay 50.000 kỵ binh cũng không thể dễ dàng vượt qua các bức tường đá của người Nhật được phòng thủ cẩn mật bởi hàng chục nghìn quân bộ binh và cung tên hỗn hợp. 
Thứ hai, quy mô của cuộc viễn chinh chưa đủ lớn. Nếu nhà Nguyên đưa nhiều quân đội hơn đến Nhật Bản, ví như có thể huy động 1 triệu quân, nhiều khả năng họ có thể đột phá tường đá, đánh vào đảo. Dù vậy, nếu muốn chinh phục Nhật Bản hoàn toàn e là điều không thể. Địa hình Nhật Bản phức tạp, nhiều đảo, vịnh, núi non hiểm trở, cực kỳ phù hợp cho việc tổ chức chiến tranh du kích. Cứ cho rằng quân Nguyên có thể đánh vào đất liền thì chỉ cần người Nhật áp dụng chiến thuật “vườn không nhà trống”, không ngừng phản kích thì đại quân Mông Nguyên cũng sớm hao mòn sinh lực mà tan rã. 
Lúc đó, đại quân xâm lược cũng sẽ giống như đội quân Anh trong khoảng thời gian xâm lược, thống trị châu Mỹ, hết thảy viện trợ binh sĩ, vũ khí và lương thực đều phải dựa vào vận chuyển trên đường biển dài đằng đẵng. Nhà Nguyên mới lập, quốc lực chưa mạnh, hầu như không cách nào duy trì viện trợ cho một cuộc chiến dài lâu như vậy. Sớm hay muộn, quân Nguyên cũng phải rút lui khỏi Nhật Bản. Đây cũng là kết cục của họ khi tiến đánh Việt Nam sau đó. Chiến thuật “vườn không nhà trống” của nhà Trần khi ấy đã khiến người Mông Cổ khốn đốn, sa lầy, cuối cùng tan rã hoàn toàn trước những cuộc phản công quyết định.  
Hốt Tất Liệt ngừng chinh phạt Nhật để tránh hao tổn sức dân
Sau hai lần thất bại cay đắng, nhà Nguyên vẫn chưa từ bỏ tham vọng chinh phục Nhật Bản. Năm 1283, Hốt Tất Liệt lại sai A Tháp Hải cùng các tướng lĩnh khác chuẩn bị một cuộc viễn chinh lần thứ ba để phục thù. Nhưng những sự kiện diễn ra ở Việt Nam trong thời gian này đã gián tiếp giúp Nhật Bản tránh được một cuộc chiến tranh xâm lược mới của nhà Nguyên. 
Năm 1285, cuộc chinh phạt trên quy mô lớn của 500.000 quân Nguyên do đích thân hoàng tử Thoát Hoan, con trai Hốt Tất Liệt chỉ huy đã hoàn toàn sa lầy ở Việt Nam. Thất bại ở Việt Nam, đối với nhà Nguyên mà nói, là trầm trọng hơn rất nhiều so với 2 lần thua trận ở Nhật Bản. Chính vì vậy, để tập trung cho cuộc chiến xâm lược Việt Nam lần thứ ba, năm 1286, Hốt Tất Liệt quyết định “gác việc Nhật Bản để chuyên việc Giao Chỉ“, tức là bãi bỏ cuộc viễn chinh sang Nhật Bản, tập trung đánh Việt Nam. 
Với 2 lần oanh liệt chiến thắng Nguyên Mông, Nhật Bản đã bảo vệ được nền độc lập của mình, khác với đại lục Đông Á và nhiều nơi khác trong làn sóng bành trướng của người Mông Cổ thế kỷ 13. Những cuộc xung đột với Nguyên Mông cũng diễn ra ngắn ngủi và nhanh chóng, không gây cho Nhật Bản nhiều thiệt hại như các nơi khác ở lục địa Á – Âu vốn bị vó ngựa Mông Cổ dày xéo. 
Kiên Định

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Shogun 2: Long hổ phong vân

“Vua quỷ” Oda Nobunaga (1534 – 1582)

Sinh ra trong gia đình dòng dõi Oda, Nobunaga đã trở thành một trong những sứ quân nổi tiếng nhất lịch sử Nhật Bản giai đoạn Sengoku. Năm 5 tuổi, trở thành thành chủ của lâu đài Nagoya, năm 13 tuổi, Nobunaga đã bắt đầu học đánh trận và kỹ thuật quân sự, năm 18 tuổi đã thống lãnh quân đội dẹp tan thế lực phản loạn của Oda Nobutomo. Suốt giai đoạn những năm từ 1558 đến hơn 20 năm sau đó, Oda Nobunaga là nỗi kinh hoàng trên khắp đất Nhật, là mối hiểm họa thực sự của tất cả những sứ quân có ý định chống lại ông.


Năm 1582, trong cuộc chinh phạt tỉnh Bitchu, đánh tan tác quân lực của dòng họ Takeda, Oda Nobunaga đã bị kẻ thân cận là Akechi Mitsuhide làm phản. Ông bị giết trong lúc đang trú tại chùa Honno với rất ít hộ vệ xung quanh. 11 ngày sau cái chết của Nobunaga, Akechi Mitsuhide cũng phải đền mạng dưới tay bộ tướng của Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi trong trận Yamazaki.


Nổi tiếng trên chiến trường với bộ giáp sắt màu đen, mô phỏng theo bộ giáp phục của quân đội châu Âu, Oda Nobunaga cũng sở hữu riêng một kho súng ống từ phương Tây cho quân đội của mình. Chú ý rằng quân đội của Nobunaga hoàn toàn không hề tinh nhuệ như các sứ quân khác nhưng thực tế rằng, ông gần như chỉ biết tới thắng lợi. 

Người đời nói rằng tính cách quật khởi của Nobunaga chính là động lực khiến cho những người lính của ông sẵn sàng xông qua biển lửa rừng chông để chiến đấu. Nobunaga cũng là tướng quân đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản xóa bỏ hoàn toàn chế độ tuyển mộ lính theo mùa mà hướng tới quân sự chuyên nghiệp – chiến đấu quanh năm. Biệt danh Vua Quỷ đến từ sự bạo tàn của Oda Nobunaga trong chiến dịch năm 1571, khi ông ra lệnh giết tất cả những người theo đạo Phật, kể cả trẻ em, người già, phụ nữ.

“Con hổ xứ Kai” Takeda Shingen (1521 – 1573)

Là con út của dòng họ nổi tiếng hung bạo Takeda Nobutora, Shingen thừa hưởng tính cách gia truyền. Biệt danh “Con hổ xứ Kai” xuất phát từ sự điên cuồng của ông ta trên chiến trường. 

Những mối tình trắc trở với biết bao người đàn bà (gần 30 người), sự bất hòa trong chính dòng tộc (tiếm ngôi và trục xuất chính cha ruột), những trận chiến với kẻ thù không đội trời chung, Uesugi Kenshin, niềm đam mê bất tận với thơ ca và âm nhạc của Takeda Shingen đã trở thành huyền thoại trong cuộc đời vị sứ quân giàu tham vọng này nói riêng và lịch sử Nhật Bản nói chung.


Quân lực của Takeda Shingen được biết tới như một trong những đội quân tinh nhuệ nhất thời Chiến Quốc, dưới sự chỉ huy của 24 vị tướng “sức địch muôn người”. Năm 1573, cả nước Nhật đương thời chỉ có Takeda là đủ sức mạnh và trí lực để đương đầu với thế bão cuốn của Oda Nobunaga. Thế nhưng, vì một lý do khó hiểu, Takeda qua đời ngay trong doanh trại, người thì cho rằng ông đã bị ám sát bởi một gã bắn lén, có thuyết lại nói rằng vết thương cũ của Takeda tái phát.


Cái chết của Takeda đã khiến cho chính kẻ thù của ông, Uesugi Kenshin phải rơi lệ. Tương truyền, Uesugi đã cấm toàn bộ Samurai và gia nhân trong phủ được nghe nhạc trong suốt 3 ngày để tỏ lòng thương tiếc “con hổ xứ Kai”. Sau đó, Kenshin đã thề rằng sẽ không bao giờ tấn công đất của Takeda nữa.

“Con rồng xứ Echigo” Uesugi Kenshin (1530 – 1578)

Cuộc đời của Takeda Shingen gắn liền với chính kẻ địch của ông ta, Uesugi Kenshin và ngược lại. Trong khi Takeda được mệnh danh là “Con hổ xứ Kai” thì Uesugi mang tên “Con rồng xứ Echigo”. Hai bên kẻ tám lạng người nửa cân tranh giành nhau suốt hơn bao nhiêu năm trời (1553 đến 1564), cũng giống như thần thoại Trung Quốc: Rồng và Hổ luôn giao tranh với nhau nhưng chẳng có bên nào giành được thắng lợi cuối cùng.


Trong thực tế, Uesugi Kenshin đã từng suýt giành thằng lợi trước Takeda Shingen. Trận Kawanajima lần thứ 4 (năm 1561), Uesugi đã chia quân lực của mình ra làm nhiều lớp, lớp đầu bị thương và mệt thì sẽ lui lại cho lớp thứ 2 thay thế. Chiến thuật này hiệu quả tới mức suýt chút nữa thì những cuộc giao tranh huyền thoại giữa Rồng và Hổ chấm dứt.

Đánh nhau nhiều là vậy nhưng chính Kenshin và Shingen lại rất hay giúp đỡ lẫn nhau. Shingen đã từng tặng cho đối thủ của mình một thanh gươm rất quý. Có một dạo các sứ quân kiên quyết không gửi muối cho Shingen (muối là sản phẩm rất quý thời đó), chính Kenshin đã bí mật chuyển muối đến xứ Kai, hỗ trợ cho Shingen. Kenshin cho rằng: “Chiến tranh phải được giải quyết bằng gươm giáo chứ không phải gạo và muối”.


5 năm sau cái chết của Hổ, con Rồng xứ Echigo cũng ra đi. Cái chết của Uesugi Kenshin vẫn là bí ẩn chưa có lời giải đáp. Ông bị ám sát hay chết vì bệnh ung thư dạ dày, chẳng ai có thể trả lời được. Những lời cuối cùng của Uesugi như một bài thơ tuyệt mệnh: “Bốn mươi chín năm. Giấc mơ một đêm. Sống trọn kiếp người. Như chén Sake đầy ắp”.

Chúa quỷ Shimazu Yoshihiro (1535 – 1619)

Tuy rằng Yoshihisa mới là sứ quân của vùng Satsuma nhưng em trai của ông ta mới thực sự là đầu lĩnh trong mọi kế hoạch của dòng họ Shimazu. Con trai thứ 2 của sứ quân Shimazu Takahisa, Yoshihiro đã trở thành một trong những vị tướng lĩnh đáng sợ nhất trong thời kỳ Sengoku. 

Bình sinh là một tay gan dạ và cực kỳ hung mãnh trên chiến trường, Yoshihiro cho đến những năm tuổi đã ngoại lục tuần vẫn vô cùng sung mãn. Tương truyền, năm 1572, trong trận Kizakihara, chỉ với 300 quân, Shimazu Yoshihiro đã nghiền nát 3000 quân của Ito Yoshisuke.


Thế nhưng, chiến công làm nên cái tên “Chúa quỷ Shimazu” lại đến khi ông đã vào tuổi… 63. Năm 1598, trong chiến dịch bao vây vùng Sacheon, 37000 quân Minh (hỗ trợ Triều Tiên lúc đó) đã bị 7000 quân của Yoshihiro đánh tan tác. Sử Nhật Bản ghi lại, hơn 30 nghìn cái đầu của quân Minh nằm dưới chân Yoshihiro và binh lính. Nhà Minh khiếp hãi gọi đội quân của Yoshihiro là “Những con quỷ Shimazu” – Oni Shimazu.


Lẽ ra Yoshihiro đã vào phe của Tokugawa Ieyasu trong trận chiến thống nhất Nhật Bản Sekigahara sau này, nhưng ông lại chọn Mitsunari vì bị tướng của Ieyasu, Tori Mototada sỉ nhục. Thế nhưng, Yoshihiro không được Mitsunari trọng dụng, mọi kế sách của ông, kể cả việc tấn công doanh trại Ieyasu vào ban đêm đều không được chấp thuận. 

Về sau, Mitsunari thất bại nhưng, 1500 lính dưới sự chỉ huy của Yoshihiro chiến đấu điên cuồng trong vòng vây khép chặt của 30000 quân Ieyasu và thật khó tin là họ thoát được dù tổn thất rất nặng nề. Nể phục tài năng của Yoshihiro, Ieyasu cho dòng họ Shimazu được giữ lại những gì thuộc về họ. Năm 1619, “Chúa quỷ Shimazu” qua đời và tất cả những tùy tùng của ông đều tự sát sau đó.

“Bất bại tướng quân” Tadakatsu Honda (1548 – 1610)

Người chơi Shogun 2 sẽ có dịp gặp mặt vị tướng quân dũng mãnh nhất thời Chiến Quốc Tadakatsu Honda, người luôn trung thành với Ieyasu Tokugawa, sứ quân sau này thống nhất Nhật Bản. 

Tadakatsu Honda sinh ra tại Mikawa, con trai của ông, Tadamoto và Tadamasa đã trở thành các sứ quân của Otaki và Kunawa sau này trong khi vị tướng quân dũng mãnh nhất lịch sử bị ghẻ lạnh. Không có chiến tranh, những người như Honda buộc phải chấp nhận cuộc sống ẩn cư sau khi Ieyasu thống nhát Nhật Bản.


Trước đó, Tadakatsu nổi tiếng trên khắp các chiến trường, qua hơn 60 trận chiến lớn nhỏ, ông luôn là người đi đầu, hăng hái nhất, dũng mãnh nhất, là một trong Tứ đại thiên vương của Ieyasu thời bấy giờ. Điều đáng ngạc nhiên đó là Honda chưa từng chịu bất kỳ một vết thương đáng kể nào trong cuộc đời chinh chiến của mình, người ta tôn vinh ông là “Bất bại tướng quân” – người vượt qua cả cái chết.


Oda Nobunaga từng khen ngợi Honda rằng ông là “Samurai của các Samurai”, còn Toyotomi Hideyoshi khẳng định ông là Samurai số 1 phía Đông, phía Tây là Tachibana Muneshige. Không chỉ dũng mãnh, Honda còn là người chỉ huy rất giỏi. Đội súng hỏa mai do ông chỉ huy được chia làm 3 lớp: Lớp 1 bắn trong khi lớp 2 thay đạn và lớp 3 lau nòng súng.

Vũ khí của Tadakatsu Honda là một trong 3 ngọn thương huyền thoại của Nhật Bản. Cây thương này mang tên Tobo Giri (cắt chuồn chuồn) vì tương truyền rằng nó sắc bén đến mức một con chuồn chuồn không may đậu vào đã bị cắt làm đôi.

Yukimura Sanada – Người trăm năm có một (1567 – 1615)

Kẻ địch đáng sợ nhất trong cuộc đời chinh chiến của Tokugawa Ieyasu không ai khác ngoài Yukimura Sanada. Nổi tiếng khắp giới Samurai thời Chiến quốc vì khả năng cầm quân và sự dũng mãnh hiếm kẻ nào bì kịp, Yukimura và cha mình, Masayuki đã thằng vô số trận lớn nhỏ với quân lực đôi lúc, yếu kém hơn rất nhiều so với kẻ địch.


Điển hình trong đó là chiến thắng trước 30000 quân của Ieyasu tại Osaka năm 1614 trong khi trong tay Yukimura lúc đó, chỉ có hơn 6000 quân. Trận Tennoji – trận chiến cuối cùng của Yukimura sau đó 1 năm đã có lúc, tưởng chừng như chiến thắng đã nằm trong tay ông.

 Đạo kỵ binh của “con quỷ giáp đỏ” đã không biết bao nhiêu lần lao thẳng vào trại chính của Ieyasu. Tình thế nguy ngập đến mức Ieyasu suýt nữa tự vẫn trong doanh trại để bảo toàn danh dự.

Thế nhưng sau đó, lực lượng của Ieyasu càng lúc càng tăng trong khi Yukimura đã lâm vào thế cùng lực kiệt. Cuối cùng, điều gì phải đến cũng đã đến, Yukimura bị thương nặng và bị bao vây. 

Trong vòng vây quân thù, ông đã nói: “Ta là Yukimura Sanada, một kẻ địch mà chắc chắn sẽ có giá đối với các ngươi. Nhưng nay ta đã hết sức rồi. Hãy giết ta đi”. Ieyasu đã cảm kích mà rằng: “Ngươi chính là chiến binh số một Nhật Bản” trước khi hạ sát kẻ địch nguy hiểm nhất cuộc đời mình.



Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Biển lửa đầm Thị Nại (1801)

Trận Thị Nại 1801, là trận thủy chiến dữ dội nhất, trận thư hùng quyết định, đáng được gọi là "Võ công đệ nhất" trong thời trung hưng của nhà Nguyễn.Trận chiến xảy ra nơi đầm Thị Nại.


Đầm Thị Nại:có tên chữ là Hải Hạc Đàm. Đó là cách gọi tắt của một địa danh Chàm, nguyên gốc tiếng Phạn là Cri Vinaya đã được phiên âm qua tiếng Hán thành ''Thị-lị-bì-nại'', người Hoa gọi cảng này là Tân Châu. Đây là một đầm nước mặn nằm phía Đông Bắc, thuộc địa phận thành phố Qui Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định, có diện tích khoảng 5.000 ha, chạy dài hơn 10 cây số, bề rộng khoảng 4 cây số. Thị Nại là đầm lớn nhất của Bình Định. Các nhánh của sông Kôn, sông Hà Thanh đều chảy về đây. Sa bồi tụ dần theo năm tháng khiến cho đầm mỗi ngày một đầy thêm. Khi nước triều lên thì mặt đầm nước mênh mông, vào những hôm trời gió, sóng dập dờn như mặt biển. Những lúc triều xuống, nước rút cạn để trơ lòng đầm, sình lầy lai láng... Nước đầm thông với biển bằng một cửa hẹp có tên cửa Giã (trong tiếng Việt cổ, giã là biển), mà sau này người ta quen gọi là cửa Thị Nại.

Và trước khi xảy ra trận "thủy chiến dữ dội" này, thủy quân của chúa Nguyễn Phúc Ánh đã kéo đến giao tranh với quân Tây Sơn tại Thị Nại vào những năm: Nhâm Tý (1792), Quý Sửu (1793) và Kỷ Mùi (1799), nhưng cả ba trận đánh đều có qui mô nhỏ hơn và không mang tính quyết định.

Đôi bên chuẩn bị:

Năm Canh Thân (1800), các thủ lĩnh Tây Sơn lẫn chúa Nguyễn đều tăng cường binh lực.


Theo Việt sử tân biên thì:

Khi ấy, thành Bình Định bị quân Tây Sơn uy hiếp uy hiếp rõ rệt, Võ Tánh, tướng chúa Nguyễn, chỉ biết cố thủ thì đủ hiểu. Ngoài cửa Thị Nại, phía Tây Sơn cho bố phòng cẩn thận.

Còn chúa Nguyễn cũng gắng gỏi hết sức. Hoàng tử Cảnh ở lại Sài Côn, Thế tử Hi (tức Nguyễn Phúc Hy, em ruột Hoàng tử Cảnh) cũng dự vào việc chỉ huy quân đội trong chiến dịch Bắc tiến. Bên cạnh, còn có ba sĩ quan người Pháp tham gia là Vannier (tên Việt là Nguyễn Văn Chấn) điều khiển tàu Phượng phi (Le Phénix), Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng) điều khiển tàu Long phi (Le Dragon) và De Forsans (Lê Văn Lăng) điều khiển tàu Bằng phi (L'aigle).

Theo giáo sĩ Le Labousse, quân của chúa Nguyễn có tới tám ngàn người thiện chiến, thủy quân của chúa thì vượt hẳn thủy quân của các nước Âu Châu đồn trú tại Ấn Độ bấy giờ. Ngoài các chiến hạm do ba sĩ quan chỉ huy và một do chính chúa Nguyễn điều khiển, chúa còn 40 chiếc làm theo kiểu bản xứ trong số đó có 5 chiếc mang được mỗi chiếc 46 khẩu đại bác, 18 chiếc khác mang được từ 20 đến 26 khẩu. Các chiến thuyền bằng tay có tới 100 chiếc lớn và 200 chiếc nhỏ để chiến đấu trên các mặt sông.

Tháng tư (âm lịch), chúa Nguyễn ra tới Nha Trang (24 tháng 5 - 24 tháng 6). Thế tử Hi ở lại Diên Khánh và chúa cho đánh Phú Yên. Tại đây, Tây Sơn đã dựng tới 80 cái đồn kiên cố, nhưng sau trận đụng độ bị phá hủy khá nhiều...Nhờ Tướng Nguyễn Văn Thành lập thành tích, nên chúa Nguyễn xây dựng được nhiều kho quân lương tại Xuân Đài để tiếp tế cho đội quân của mình.

Theo sử của C.B.Maybon, một lực lượng quân Lào khá quan trọng xâm nhập vào Nghệ An, dưới sự chỉ huy của trướng Nguyễn Văn Thụy và Lưu Phúc Tường để đánh úp quân Tây Sơn. Được tin này, hai tỉnh Thanh Hóa và Hưng Hóa cũng nổi lên nhiều cuộc biến động khiến quân Tây Sơn ở các vùng biên giới bị cầm chân...Chúa Nguyễn lại còn được Cao Miên viện trợ cho 20 cặp voi trận, giao cho Nguyễn Văn Thành sử dụng. Miền Nam bấy giờ được mùa, Đông cung Cảnh sau vụ gặt cứ 10 xuất đinh tuyển lấy 3 để sung vào quân ngũ được thêm khoảng 10.000 người, đóng thêm 50 chiến thuyền nữa.Mặc dầu quân Nguyễn đã được chuẩn bị kỹ càng và đông đảo như vậy, nhưng vẫn không giải vây cho thành Bình Định được. Quân thế của Võ Tánh ở đây mỗi ngày mỗi nguy. Viện quân bằng bộ binh, thủy quân mấy phen tấn công vào Thị Nại đều vô hiệu.

Việt Nam sử lược cho biết:

Nguyễn Vương được tin quân Tây Sơn ra vây thành Bình Định, liền cử đại binh ra cứu viện, sai Nguyễn Văn Thành đem Lê Chất, Nguyễn Đình Đắc, Trương Tiến Bảo, chia ra làm ba đạo ra đánh lấy đồn Hội An ở Phú Yên, rồi kéo ra đánh ở Thị Dã (thuộc Bình Định). Nguyễn Vương đem thủy binh ra đến Quy Nhơn đóng thuyền ở ngoài cửa Thị Nại. Bấy giờ quân bộ của Nguyễn Văn Thành và quân thủy của Nguyễn Vương không thông được với nhau, cho nên sự cứu viện không có công hiệu gì cả.

Chaigneau viết cho Barisy rằng: "Trước đây chưa trông thấy địch (Tây Sơn), tôi có ý khinh thường, nhưng bây giờ mới biết là mình lầm. Thật vậy, quân của Tây Sơn đã là một phòng tuyến không sao vượt được. Bây giờ thời tiết lại xấu, binh sĩ bịnh tật nhiều. Lính Gia Định và Cao Miên phải trả về nguyên quán, những quân tướng về hàng trước đây trở lại với chủ cũ, tình thế thật nguy vô cùng..." Không giải tỏa nỗi thành Bình Định, tình trạng này kéo dài luôn một năm khiến chúa Nguyễn vô cùng bực tức...

Và theo Gia Định xưa, đôi bên đã dàn trận như sau:Phía Tây Sơn, Trần Quang Diệu đem bại binh dàn ngang ngăn chặn, lại cho đắp thêm đồn bảo vệ ở cầu Phú Hòa Đông và cầu Tân Hội, quyết không cho bộ binh của Nguyễn vương (tức Nguyễn Ánh) tiến được. Về mặt thủy, tướng Võ Văn Dũng thiết lập thủy trại la liệt ở cửa Thị Nại. Đem 3 chiếc chiến thuyền lớn "Định Quốc" chặng ngang hải khẩu, khiến thủy quân của Nguyễn Ánh không sao vượt qua để liên lạc với lục quân.Phía Nguyễn Ánh, sau mấy tháng bị phong tỏa, bộ tham mưu quyết định phải dùng hỏa công đánh cửa Thị Nại. Bèn mật sai triệu Lê Văn Duyệt, Võ Di Nguy và các tướng lãnh về họp kín, thảo kế hoạch tấn công.

Ác chiến: 


Việt sử tân biên chép:

Rồi một hôm, chúa tính rằng hiện nay bao nhiêu lực lượng của Tây Sơn đều tập trung quanh và trước thành Qui Nhơn (tức thành Bình Định). Như vậy, Phú Xuân không mạnh. Nhưng tiến ra Phú Xuân thì hãy phá tan thủy quân của Tây Sơn ở Thị Nại đã, kẻo ra tới Phú Xuân, quân Gia Định bị cả hai mặt thủy bộ ép lại thì nguy. Khi đã thắng Phú Xuân, chúa quay lại cứu Qui Nhơn có lẽ dễ dàng hơn.Ngày rằm tháng giêng năm Tân Dậu (27 tháng 2 năm 1801), chúa Nguyễn bỗng nảy ra ý cho các chiến thuyền tiến gần cù lao Hàn (Đảo Hòn Đất). Chúa ra lệnh cho Lê Văn Duyệt (theo Huỳnh Minh, Ngô Giáp Đậu thì viên tướng chỉ huy đạo bộ binh này phải là Nguyễn Văn Thành, vì lúc đó Lê văn Duyệt cùng Nguyễn Văn Trương đang chỉ huy lực lượng thủy quân) đem 1.200 quân đổ bộ lên bãi cát. Đoàn người này lặng lẽ tiến đến hải đồn của Tây Sơn mà không ai biết. Hồi 10 giờ rưỡi, khi đoàn quân chỉ còn cách độ 1/3 tầm súng đại bác, tiền đội quân thủy Nguyễn gồm 62 chiếc thuyền được lệnh tấn công ba chiến hạm lớn đầu tiên của Phú Xuân.Cuộc tấn công này lại được cái may là gió và nước triều bấy giờ đang thổi mạnh. Đúng 10 giờ 30, tướng Nguyễn Văn Trương bắn phát đại bác đầu tiên để ra lệnh tấn công khắp mọi nơi.Hai mươi sáu chiến thuyền chèo phóng lửa đốt sạch mọi thứ trên bãi cát. Đạo binh 1.200 người của (quân) Nguyễn, lưỡi lê tuốt trần nấp ở các hầm hố dưới cát, vừa đánh vừa bắn đại bác lên bờ. Quân Phú Xuân (tức quân Tây Sơn) bị đánh bất thình lình rối loạn chết hại khá nhiều.Đồn Tây Sơn ở Tam tòa sơn, ở bên phải cánh quân tấn công, chuyển một hỏa lực kinh khủng bắn xuống các thuyền chèo tay của Nguyễn vương khi đó vào đúng tầm súng. Võ Di Nguy bị một phát đạn bay đầu liền làm cho quân Nguyễn hoảng hốt ngừng lại. Lê Văn Duyệt liền cho chém ngay viên tướng đã thiếu can đảm, rồi thúc binh thuyền tiến tới chỗ có các chiến hạm của Phú Xuân đang đậu ở phía đông gần núi, đốt phá tơi bời và mau lẹ.Lúc ấy, Nguyễn Văn Trương cũng đã phá xong 3 chiếc chiến hạm của Tây Sơn đậu bên ngoài, tiến vào giữa hai cánh quân Tây Sơn đang vận chuyển để cứu các chiến hạm. Đêm ấy lửa và tiếng đại bác đã gây nên một quang cảnh hết sức khủng khiếp, rùng rợn...

Huỳnh Minh, trong Gia Định xưa, thuật:

Đêm rằm tháng giêng năm Tân Dậu 1801, Nguyễn Văn Thành nhận mật lệnh kéo quân cướp trại, để cản chân các tướng Tây Sơn về mặt bộ, Nguyễn Văn Trương, Tống Phúc Lương cũng lãnh mật le65ng dẫn một đoàn binh thuyền đi trước. Tiếp theo sau là Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy cũng dẫn một đạo chiến thuyền sấn tới, Nguyễn vương thân đốc chiến.Vừa tới cửa Thị Nại, Nguyễn Văn Trương chặn bắt được thuyền tuần tiễu của Tây Sơn, tra hạch được mật khẩu (Ngô Giáp Đậu kể chi tiết: "Trần Công Hiến ban đêm dẫn quân vượt bến đò Tiêu Ky, bắt sống được Đô ty của Tây Sơn là Nguyễn Văn Độ, tra lấy được mật khẩu. Thế Tổ (Nguyễn Ánh) cho 18 chiếc thuyền thoi, giả thuyền Tây Sơn đi tuần tiễu, áp sát đội hình thuyền giặc mà đánh". Sách đã dẫn, tr. 264), nên vào sâu nơi thủy trại mà đốt phá.Rồi vào hồi 10 giờ rưỡi đêm ấy, Võ Di Nguy cùng Lê Văn duyệt kéo toàn đội chiến thuyền xông vào. Quân Tây sơn từ các đồn trên núi, triền núi Cam Tòa bên hữu, và ở bãi Nhạn bên tả nã súng lớn pháo kích, Võ Di Nguy trúng đạn nơi đầu tử trận.Võ Di Nguy chết. Nhưng các chiến hữu đã dùng hỏa công triệt tiêu tất cả thủy trại Tây Sơn, toàn thắng. Trận Thị Nại này được gọi lả "Võ công đệ nhất" trong thời trung hưng của triều Nguyễn.

Trong Nước non Bình Định, nhà thơ Quách Tấn kể:

Năm Tân Dậu (1801) đợi mùa gió nam thổi, Nguyễn Ánh khiến chế tạo chiến cụ hỏa công, rồi sai Lê Văn Duyệt, Võ Di Nguy, Nguyễn Văn Trương đem đại binh ra đánh Thị Nại. Mặc dù cố gắng tả xông hữu đục, hải thuyền của nhà Nguyễn vẫn không thể vào nổi.Biết không thể dùng sức, tướng nhà Nguyễn bèn dùng mưu. Nguyễn Văn Trương cho gián điệp trà trộn vào quân Tây Sơn lấy khẩu hiệu, rồi đang đêm cởi thuyền nhỏ lẻn vào Hổ Ky, nổi lửa đốt thủy trại. Võ Văn Dũng đương chỉ huy trận tiền thấy lửa cháy ở hậu cứ, thất kinh chia binh trở vào cứu. Võ Di Nguy thừa cơ cỡi hải đạo thuyền lướt vào lòng địch. Súng trên đồn bắn xuống, Võ Di Nguy bị trúng đạn chết. Lê Văn Duyệt đốc binh tiếp theo, liều chết vượt khỏi tầm súng. Quân Tây Sơn vẫn giữ đồn bảo cự chiến. Tiếng súng vang trời. Thấy thuyền nhà Nguyễn xông vào, thuyền Tây Sơn chận đánh. Khi hai bên giáp chiến, Lê Văn Duyệt thừa ngọn gió nam thổi mạnh nổi hỏa công. Lửa cháy rần rật và theo gió tạt vào đoàn thuyền Tây Sơn. Gió thổi càng mạnh, lửa cất càng cao. Ánh sáng rực cả mặt thuyền, ngất cả tầng mây và tiếng súng nổ tiếng quân hò reo rầm trời dậy đất. Quân nhà Nguyễn bị chết rất nhiều, nhưng thuyền Tây Sơn bị đốt gần hết.

Thiệt hại:

Theo Việt sử tân biên, thì:

Đến 4 giờ sáng hôm sau, tức ngày 16 tháng giêng, các chiến hạm của Phú Xuân đều ra tro, thuyền lớn thuyền nhỏ đến quá trưa mới tắt lửa. Tính ra quân Nguyễn chết mất 4.000, trong số đó có tướng Võ Di Nguy và vài tướng lĩnh khác...Quân Tây Sơn thiệt tới 20 ngàn và mất hết cả hải đội hùng mạnh: thuyền buồm bị tiêu 1.800 chiếc, 600 khẩu đại bác đủ cỡ và nhiều quân nhu, vũ khí, vàng bạc của binh tướng Tây Sơn rơi xuống đáy biển hết.Tuy nhiên khi ghi những thiệt hại trên, tác giả có kèm theo lời bình: "Con số này do sử Pháp chép theo sử ta. Sử nhà Nguyễn thường hay tự đề cao bản triều, nên chỉ có thể tin rằng quân Nguyễn thắng mà thôi".

Sau trận thủy chiến:

Quét xong thủy quân Tây Sơn ở Thị Nại, nhưng lúc này thành Bình Định mỗi ngày mỗi kiệt quệ. Chúa Nguyễn ra lệnh cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu bí mật trốn ra khỏi thành, nhưng Võ Tánh biên thư từ chối: "Tinh binh của Tây Sơn ở Qui Nhơn cả, nên lợi dụng lúc này đánh phú Xuân thì lợi hơn".Chúa Nguyễn liền để Nguyễn Văn Thành ở lại đánh nhau với Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cùng đặt một phần quân lực giữ cửa Thị Nại.Ngày 5 tháng 6 năm 1801, chúa Nguyễn dẫn tàu thuyền ra khỏi Thị Nại, hợp quân với Nguyễn Văn Trương tiến ra Phú Xuân...Trận Thị Nại 1801, là trận thủy chiến lớn nhất nơi đầm Thị Nại. Từ đấy quân nhà Nguyễn giữ vững vùng biển chiến lược này.

Thời Pháp thuộc, Trường Xuyên (một bút hiệu của Quách Tấn) có bài thơ hoài cổ:

Thị Nại xưa kia vũng chiến trường, 
Nổi chìm thế sự mấy triều Vương... 
Non mây nghi ngút nơi binh dữ, 
Biển ráng chưa tan bọt máu hường. 
Nhạn lãnh sóng vờn gương đế bá 
Phương Mai rừng đắp vết tang thương.
Bùi ngùi ngắm cảnh quay trông lại 
Lớp lớp xe ai rộn phố phường !


Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

Vua hủi Jerusalem - vị anh hùng gây khiếp sợ trong lịch sử

Mặc dù bị mù, liệt cả tay chân nhưng "Vua Hủi" Baldwin IV, vị vua của Vương quốc Jerusalem vẫn kiên cường xuất hiện nơi chiến trường. Ông là nỗi khiếp sợ của người Hồi giáo trong thế kỷ XII.


Chân dung Vua Baldwin

Lịch sử thế giới đã ghi lại biết bao tấm gương về những vị vua tài giỏi và anh dũng khác thường. Nếu như Pharaoh Ramesses II một mình đẩy lui cả chục nghìn quân Hittite phục kích thì sau này, Alexander Đại đế lại dám dẫn vài chục kỵ binh tấn công vào hàng ngũ của trăm nghìn quân Ba Tư.
Có một điểm chung giữa hai cuộc chiến này, đó đều là những người khỏe mạnh, giỏi chiến đấu và kẻ địch là... nông dân - không sở hữu nhiều kỹ năng chiến đấu. Tuy nhiên, với một người bị bệnh nặng tới mức không thể cầm kiếm bằng tay thuận, đi đứng nói chuyện cũng khó khăn thì làm chuyện anh hùng như thế thật khó có thể tin được. Thế nhưng, có một người đã làm được như thế. Đó là Vua Baldwin IV - vị vua mắc bệnh hủi của Vương quốc Jerusalem.


Baldwin IV - vị vua hủi vĩ đại của Jerusalem (cảnh trong bộ phim Kingdom of Heaven)

Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào mà một ông vua bị hủi có thể trở thành người bảo vệ niềm tin, kẻ cứu rỗi thế giới Thiên Chúa giáo hay vị anh hùng của các hiệp sĩ dòng đền? Dựa vào những nguồn động lực hay loại sức mạnh ý chí mà một người tưởng chừng như tàn phế, tự biết mình “không thể nhìn thấy tmài 30” (thực tế ông chỉ sống được 24 năm) lại có thể bảo vệ Jerusalem khỏi Saladin - người được mệnh danh là Chiến binh bất tử của đạo Hồi trong suốt chừng ấy năm trị vì?

Cho đến cuối đời, khi đã hoàn toàn bị mù và liệt cả tay chân, Baldwin IV vẫn khiến cho kẻ thù của mình không dám tấn công Vương quốc Thiên đường dù rằng, lực lượng của họ đông và mạnh mẽ hơn rất nhiều lần. Đó quả thực là một nỗ lực vượt quá giới hạn của con người.
Tuổi thơ không hề biết đến sự đau đớn thể xác
Năm 1161, hoàng tử Baldwin (con trai của vua Amalric và nữ hoàng Agnes) đã chào đời tại Jerusalem - Vương quốc của quân đoàn Thập tự Crusader, vùng đất Thánh đối với cả Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.

Từ khi còn rất nhỏ, Baldwin đã bộc lộ những phẩm chất của một đấng minh quân. Cậu bé vô cùng thông minh, hiếu học. Thầy giáo riêng của nhà vua, William of Tyre đã mô tả về vị Hoàng tử này: “Cậu ấy học hỏi mọi thứ rất nhanh và đẹp trai nữa. Thời gian trôi đi, cậu ấy tràn đầy niềm hy vọng và đã tự phát triển những khả năng tự nhiên của mình một cách thành thục. Trong việc điều khiển ngựa, cậu ấy tỏ ra còn giỏi hơn những người đàn ông lớn tuổi, thêm vào đó, Baldwin có một trí nhớ tuyệt vời cùng sở thích nghe những câu truyện đời xưa kể lại”.


William of Tyre nhận ra rằng hoàng tử không hề biết đau

Một ngày kia, William of Tyre phát hiện ra rằng, nhà vua tương lai không hề biết đến sự đau đớn, cậu bé không khóc dù cho bị những đứa trẻ khác cấu véo vào tay. Ban đầu, William chỉ nghĩ, hoàng tử 9 tuổi chỉ đang tỏ ra mình thật là cứng cáp và dũng cảm nhưng khi kiểm tra kỹ hơn, ông phát hiện ra, Baldwin đã hoàn toàn mất cảm giác ở cánh tay - một triệu chứng của bệnh hủi.

Thời đó, người ta khiếp sợ căn bệnh này bởi những biến chứng kinh hoàng về hình dạng xảy ra với người bệnh. Những người Saracen (từ mà người châu Âu dùng để gọi người đạo Hồi) khẳng định, căn bệnh này là sự trừng phạt của Thánh Allahxuống đầu của kẻ ngoại đạo - dám chiếm lĩnh Jerusalem của họ.
Cả những người Thiên Chúa giáo cũng nghĩ rằng, họ bị Chúa trời trừng phạt. Và khi người đứng đầu Jerusalem mắc phải căn bệnh này, họ biết rằng, Vương quốc Thiên đường đã đến lúc sụp đổ.
Nhiều sử gia cho rằng, nhà vua thực sự đã đeo mặt nạ bảo vệ như thế này chứ không chỉ trên phim ảnh
4 năm sau ngày William of Tyre phát hiện ra căn bệnh của vị hoàng tử trẻ tuổi, vua Amalric qua đời và Baldwin chính thức trở thành vua của Jerusalem ở tuổi 13. Vì vua còn quá trẻ nên Miles of Plancy - họ hàng gần nhất của nhà vua trở thành Nhiếp chính.
Sau đó không lâu, Miles bị giết chết và Raymond of Tripoli trở thành người thay thế. Năm 1175, Raymond of Tripoli ký hòa ước với Saladin - thủ lĩnh vương triều Ayyubid và cũng là thủ lĩnh thế giới đạo Hồi khi đó để giữ cho Jerusalem được bình yên, ít nhất là trong vài năm.

Trí tuệ và tầm nhìn thiên tài của một bậc anh quân

Nhưng Baldwin nhận thức rõ được vai trò của mình. Ở tuổi 15, khi mà những đứa trẻ khác còn đang thích la cà, dạo chơi thì ông đã trở thành một vị vua đầy quyền lực.
Năm 1176, vị vua trẻ chính thức cầm lại toàn bộ quyền hành của vương quốc Jerusalem. 2 năm đã trôi qua kể từ ngày cậu bé không biết đau trở thành vua, căn bệnh hủi đã thực sự trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Nó hành hạ cơ thể Baldwin mọi lúc mọi nơi, khiến ông dần dần trở nên tàn phế.
Baldwin IV và Saladin (cảnh trong phim Kingdom of Heaven)
Bất chấp điều kiện khó khăn đó, không chấp nhận và đầu hàng số phận nghiệt ngã và càng không chịu an phận nhận sự ban phát hòa bình không có thực từ Saladinnhà vua lập tức xóa bỏ hòa ước với Saladin. Ông biết rằng, nếu chấp nhận hòa hoãn, để mặc cho quân đội của Saladin thoải mái tung hoành các vùng đất xung quanh, sớm muộn gì Jerusalem cũng sụp đổ.
Baldwin thân chinh dẫn quân chinh phạt các vùng đất xung quanh Damascus, điều này khiến cho Saladin phải bỏ dở cuộc tấn công vào Aleppo và lui về thế phòng ngự. Cũng trong năm 1176, Baldwin đánh tan quân đội của cháu trai Saladin tại Lebanon và Syria.
Chỉ trong những tháng đầu tiên, Baldwin đã chứng tỏ cho mọi người thấy, ông có đầu óc chiến thuật vô cùng thông minh. Thay vì bảo vệ Aleppo, Baldwin lại cho quân tấn công Damascus khiến Saladin phải bỏ dở chiến dịch của mình. Trong binh pháp Tôn tử, đây là kế “vây Ngụy cứu Triệu” nổi tiếng.


Hình ảnh đế quốc Byzantine
Ngay sau đó, Baldwin lên kế hoạch tấn công thẳng vào cứ địa của Ai Cập, nơi tập trung mọi sức mạnh của Saladin, đặt tại Cairo, Giza, Luxor... Nhận thấy rằng Jerusalem yếu về thủy chiến, vị vua trẻ kết liên minh với Đế quốc Byzantine.
Kế hoạch tưởng chừng như sẽ diễn tiến thuận lợi thì William of Montferrat - anh rể nhà vua đồng thời là nhân tố quan trọng nhất của chiến dịch bị bệnh và qua đời. Sau đó, đến lượt chính nhà vua mắc bệnh khiến cho chiến dịch bị đình trệ.
Triều đình Byzantine tỏ ra lo lắng và quyết định không đồng ý hỗ trợ chiến dịch quân sự này nữa. Chiến dịch tiêu diệt Saladin sụp đổ và nó khiến cho quân Thập Tự Chinh mãi sau này không bao giờ có thể làm hại được cứ địa của Saladin nữa. Tiếc thay, người duy nhất nhìn ra được tầm quan trọng của chiến dịch này, vua Baldwin lại không thể thực hiện ước nguyện của mình.


Saladin - một trong những kẻ chinh phục nổi tiếng nhất lịch sử thế giới cũng phải khiếp sợ Baldwin IV
Các nhà sử gia sau này cho rằng, nếu như Baldwin thành công thì vương quốc Jerusalem sẽ tồn tại rất lâu nữa chứ không sụp đổ nhanh đến vậy. Lịch sử thế giới sẽ thay đổi rất nhiều nếu như ngày đó Saladin thất trận.

Chiến thắng không tưởng tại Montgisard - sự ra đời của Người bảo vệ Đức tin

Không chỉ có trí tuệ và tầm nhìn thiên tài, điều khiến cho Baldwin IV trở thành một vị vua vĩ đại đó là sự dũng cảm không thể tin nổi tại trận chiến nổi tiếng Montgisard - nơi nhà vua mới chỉ 16 tuổi đã đánh bại đội quân tinh nhuệ đông gấp cả chục lần.
Sau khi chiến dịch Ai Cập bị hủy bỏ, Philip of Flanders đưa quân đội của mình về biên giới phía Bắc Jerusalem và Raymond of Tripoli cũng tham gia cùng. Điều này khiến cho Jerusalem ở vào thế cực kỳ nguy hiểm.
Nhà vua thì đang lâm trọng bệnh còn quân lính đã bỏ đi hết. Saladin tất nhiên không thể bỏ lỡ cơ hội mà Thánh Allah đã ban như thế, ông đưa 26.000 quân lính tinh nhuệ cùng đội hộ vệ Ai Cập Khassaki rầm rộ tiến về Jerusalem.
26.000 quân Saracen hùng hổ tiến về Jerusalem...
Trên giường bệnh, Baldwin truyền gọi 600 hiệp sĩ dòng đền và khoảng vài nghìn lính địa phương lại nhằm chống cự với Saladin. Điều kiện sức khỏe của ông tồi tệ đến nỗi người ta tưởng rằng, ông sắp chết đến nơi.
Bernard Hamilton, tác giả cuốn “Baldwin IV - vị vua hủi và những kẻ thừa kế” đã mô tả nhà vua lúc đó “chết một nửa” rồi. Quân đội của nhà vua so với 26.000 chiến binh Hồi giáo kia chỉ như ngọn nến trước gió bão mà thôi. Nhận thấy điều đó, Saladin mặc kệ vua Baldwin và tiến thẳng về Jerusalem.
Trên đường tới Jerusalem, Saladin tấn công Ramla, Lydda, Arsuf và cho quân tản ra một vùng rất rộng, mặc sức cướp bóc vì cho rằng, nhà vua chẳng thể làm gì với đội quân tàn tật đó.

...và đụng độ vua Baldwin IV cùng các hiệp sĩ dòng đền tại Mons Gisardi

Đội quân Thiên Chúa đã chạm trán với Saladin tại Mons Gisardi, gần Ramla. Điều này đã làm Saladin hết sức bất ngờ. Ông vội vàng tập hợp quân đội lại, dàn trận trước kẻ thù.
Từ xa, đoàn quân do Baldwin IV chỉ huy vẫn im lặng, nhà vua ra lệnh đặt cây Thánh giá khổng lồ trước tiền tuyến. Và bản thân nhà vua, dù đang mang trên mình căn bệnh khủng khiếp, vẫn gắng sức xuống ngựa, quỳ trước cây Thánh giá, cầu Chúa ban cho chiến thắng và đứng thẳng người hô hào binh lính.
Trong lúc Saladin vẫn đang mải tập hợp đội ngũ thì đội quân Thiên Chúa đã tràn tới như thác lũ. Nhà vua, tay phải quấn băng kín, không thể cầm nắm, tay trái vung kiếm xông thẳng vào giữa trung quân của Saladin.

Baldwin kiên cường tham gia trận chiến
Sử gia Stephen Howarth thuật lại: “26.000 chiến binh Saracen ở đó, đối đầu với vài trăm kỵ binh Thiên Chúa nhưng những người Saracen hầu hết đều bị giết, số khác lại bỏ chạy. Saladin trốn thoát vì ông ta cưỡi một con lạc đà đua. Vị vua trẻ với bàn tay quấn băng kín luôn đi đầu hàng ngũ của người Thiên Chúa, với Thánh George ở bên".
Người ta kể lại rằng: "Cây Thánh giá sáng bừng lên như Mặt trời. Đó là một chiến thắng không tưởng, âm vang của cuộc Thập Tự Chinh đầu tiên dội về. Nhưng đó cũng là lần cuối cùng một đội quân Hồi giáo bị đánh bại bởi lực lượng quá bé nhỏ như vậy”.


Hiệp sĩ dòng đền (Knight Templar)
Chiến binh bất tử của đạo Hồi khiếp sợ và nếu không nhờ con lạc đà khỏe nhất thì Saladin đã bị bắt ngay giữa trận địa. 26.000 lính tinh nhuệ của ông bị đánh tan không còn mảnh giáp, đội hộ vệ Khassaki lừng danh bị giết gần hết, cháu trai của Saladin cũng bị chém chết ngay trong trận.
Baldwin tiếp tục truy đuổi Saladin cho đến khi màn đêm ập xuống mới rút về Ascalon. 10 ngày sau đó là 10 ngày mưa nặng hạt, đoàn quân thất trận của Saladin giờ chỉ còn lại hơn 2.000 người, phải chống chọi với cơn đói và khát cũng như cướp đường mới về được đến Ai Cập.
Nhờ sở hữu con lạc đà khỏe nhất, Saladin đã chạy thoát khỏi trận địa
Nhiều năm sau đó, Saladin vẫn nhắc lại về thất bại này như một thảm họa khủng khiếp. Tuy vậy, sau khi về Ai Cập, Saladin đã ra lệnh không ai được nói về thất bại này và phải coi như đó là một chiến thắng, ông chỉ rút lui về mà thôi.
Trận Montgisard đã đưa cái tên Baldwin IV trở thành huyền thoại. Khắp các vương quốc Thiên Chúa giáo, người ta xưng tụng vị vua trẻ là Đấng cứu thế của Chúa, Người bảo vệ đức tin...

24 năm - một huyền thoại

Vinh quang của chiến thắng không làm dịu đi sự lây lan càng lúc càng nhanh của căn bệnh hủi. Trong khi đó, người kế nhiệm Baldwin IV lại chẳng có ai. Năm 1183, nhà vua chính thức bị mù, tứ chi bị hủy hoại tới mức không thể làm gì được.
Baldwin IV chỉ định Guy de Lusignan làm người chấp chính. Tuy nhiên ngay sau đó, Guy de Lusignan tỏ ra quá yếu kém trong việc thống nhất các tầng lớp và không dám đối đầu với Saladin mặc dù đang nắm trong tay đội quân mạnh nhất từ trước tới giờ trên vùng đất thánh - đội quân do chính Baldwin IV xây dựng. Vì thế, gánh nặng của cả một vương quốc một lần nữa đặt lên vai của Baldwin IV.



Chân dung của Guy de Lusignan
Cuối năm 1183, đám cưới của người chị nhà vua - Isabel tổ chức tại Kerak đã khiến Saladin chú ý. Ngay lập tức, vị thủ lĩnh Hồi giáo đưa quân tới bao vây lâu đài trong lúc mọi người đang ăn mừng.
Baldwin IV dù đã hoàn toàn là một người tàn phế nhưng ra lệnh cho tùy tùng đặt mình lên cáng đưa ra trận cứu nguy cho Kerak. Kinh sợ trước nỗ lực phi thường này, đồng thời cũng biết rõ tài cầm quân tuyệt vời của vị vua trẻ, Saladin ra lệnh rút quân. Năm 1184, một lần nữa Saladin lại cho quân bao vây Kerak và ngay sau đó cũng phải rút quân vì Baldwin IV xuất hiện trên chiến trường, dù phải nằm cáng.

Cho đến những năm cuối đời, cái tên Baldwin IV vẫn là nỗi khiếp sợ của người Hồi giáo
Ngày 16/5/1185, linh hồn Baldwin IV đã được gặp Chúa. Ông được hỏa táng tại nhà thờ Mộ đá ở Jerusalem. 2 năm sau cái chết của nhà vua, Guy de Lusignan thảm bại dưới tay Saladin và Vương quốc Thiên đường Jerusalem rơi vào tay người Hồi giáo.
24 năm cuộc đời của Baldwin IV là một bản anh hùng ca như những gì ghi chép trên nóc nhà thờ Mộ đá: Per Crucem and Lucem (Từ cây thánh giá tới ánh sáng). Niềm tin của vị vua trẻ đã giúp cho Jerusalem bình yên trong suốt chừng ấy năm ông trị vì.
Các sử gia sau này đều cho rằng, thứ giết chết Baldwin IV thực chất không phải căn bệnh hủi. Ông có thể sống lâu hơn thế rất nhiều, nhưng những trận chiến không ngừng nghỉ đã khiến vết thương của ông bị nhiễm trùng quá nặng. Dẫu sao, có thể nói rằng những gì ông làm được trong 9 năm trị vì còn đáng giá hơn 90 năm cuộc đời sống thanh thản.
Vương quốc Jerusalem sụp đổ vĩnh viễn và cái tên Saladin trở thành nỗi khiếp sợ của Thiên Chúa giáo cho đến khi vua Richard I (hay Richard Tim Sư Tử) xuất hiện. Mối quan hệ phức tạp giữa Saladin và Richard lại khiến cho bối cảnh Thập Tự Chinh trở nên thú vị hơn rất nhiều. Và đó lại là một câu chuyện khác...

P/S: SƯU TẦM